2024-03-18 11:12:39

Phân cấp hành chính tại Ba Lan

Liên quan đến cuộc bầu cử chính quyền tự quản tại các địa phương của Ba Lan, nhiều người muốn tìm hiểu về cách phân chia các cấp hành chính tại Ba lan, tên gọi của các đơn vị hành chính cũng như các cách gọi tên lãnh đạo của các đơn vị hành chính. Quê Việt xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Các đơn vị hành chính địa phương của Ba Lan hiện được chia làm 3 cấp. Đơn vị hành chính địa phương cấp 1 là các tỉnh ( województwo), cấp 2 là các thành phố và huyện (quận) - gọi chung là cấp huyện (powiat), cấp 3 là các xã, thị trấn - gọi chung là cấp xã (gmina).

Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2024, các đơn vị hành chính của Ba Lan bao gồm: 16 tỉnh, 314 huyện và 66 thành phố tương đương huyện, 2.477 xã (bao gồm 302 Thị trấn (gminy miejskie), 711 xã hỗn hợp (gminy miejsko-wiejskie) và 1.464 xã nông thôn (gminy wiejskie)).

16 tỉnh của Ba Lan được thành lập từ năm 1999 và giữ nguyên cho đến nay bao gồm: 1) dolnośląskie, 2) kujawsko-pomorskie, 3) lubelskie, 4) lubuskie, 5) łódzkie, 6) małopolskie, 7) mazowieckie, 8) opolskie, 9) podkarpackie, 10) podlaskie, 11) pomorskie, 12) śląskie, 13) świętokrzyskie, 14) warmińsko-mazurskie, 15) wielkopolskie, 16) zachodniopomorskie.

Województwo (Tỉnh) là một đơn vị hành chính lớn nhất trong nước. Người đứng đầu tỉnh là tỉnh trưởng hay chủ tịch tỉnh (wojewoda). Tỉnh trưởng là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước, đồng thời là đại diện của Hội đồng Bộ trưởng trong tỉnh. Tỉnh trưởng do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm hoặc cách chức theo đề nghị của Bộ trưởng phụ trách hành chính. Hội đồng tỉnh (Sejmik województwa) bầu ra chủ tịch của mình (Marszałek województwa). Người được bầu chọn phải đạt đa số phiếu tuyệt đối.

Powiat là một đơn vị chính quyền địa phương và đơn vị hành chính cấp hai ở Ba Lan. Hoạt động của các powiat được quy định bởi Đạo luật ngày 5 tháng 6 năm 1998 về quyền tự trị của Poviat.

Cơ quan điều hành của quận là Ủy ban quận, gồm từ 3 đến 5 người (tùy theo quy chế của từng địa phương). Chủ tịch Ủy ban được gọi là starosta. Ngoài ra, Ủy ban còn có Wicestarosta (phó chủ tịch) và các ủy viên. Ở các thành phố có quyền tương đương như Powiat (td thủ đô Warszawa), chủ tịch Ủy ban được gọi là prezydent (chủ tịch). Starosta hay prezydent được bầu bởi hội đồng quận, thành phố (Rada powiatu). Wicestarosta và các ủy viên được hội đồng huyện (quận, thành phố) bầu theo đề nghị của starosta (prezydent). Các ủy viên có hai loại, ủy viên chính thức (làm toàn thời gian) và không chính thức (không toàn thời gian). Thành viên chính thức được tuyển dụng trên cơ sở bầu chọn, và thành viên không chính thức được nhận phụ cấp công tác phí khi tham gia quản lý, điều hành các sự kiện của Ủy ban. Starosta, Wicestaroste và các ủy viên có thể, nhưng không nhất thiết phải đồng thời là ủy viên hội đồng quận (radna powiatu).

Gmina (xã, thị trấn) là đơn vị hành chính cơ sở của chính quyền địa phương. Gminy cũng có thể thành lập các đơn vị phụ trợ bằng nghị quyết của hội đồng xã như là sołectwa (thôn), dzielnice (xóm) hoặc osiedla (khu dân cư).

Các vị là chủ tịch xã được gọi là wójt, chủ tich thị trấn (dzielnica ở Warszawa) gọi là burmistrz và chủ tịch xã hoặc thị trấn lớn có thẩm quyền tương đương cấp huyện được gọi là prezydent (các thị trấn có trên 100.000 cư dân). Các vị này khác với các vị chủ tịch huyện hay tỉnh ở chỗ họ được người dân bầu trực tiếp trong các kì bầu cử chính quyền địa phương các cấp, có nhiệm kì 5 năm và không được làm quá hai nhiệm kì.

Sau khi Đạo luật ngày 20/6/2002 về bầu cử trực tiếp, chủ tịch xã (thị trưởng, chủ tịch thành phố tương đương cấp xã) có quyền đại diện cho xã, trực tiếp điều hành các công việc liên quan đến địa phương mình.

Hội đồng xã (Rada gminy) là cơ quan ra quyết định và kiểm soát của cấp xã. Ở Ba Lan, thẩm quyền của hội đồng xã bao gồm tất cả các vấn đề thuộc phạm vi hoạt động của xã, trừ khi luật pháp có quy định khác trong các trường hợp đặc biệt.

Việc bầu cử Hội đồng xã cũng như các vị trí chủ tịch của xã (thị trấn) là bình đẳng, trực tiếp và được thực hiện bằng bỏ phiếu kín. Nhiệm kỳ của hội đồng xã kéo dài 5 năm (năm 1990-2018 kéo dài 4 năm) kể từ ngày bầu cử. Các ủy viên của Hội đồng xã có nghĩa vụ tham gia vào công việc của hội đồng xã, các ủy ban và các cơ quan chính quyền địa phương khác mà họ được bầu hoặc bổ nhiệm. Họ có nghĩa vụ phải hoạt động vì lợi ích của cộng đồng và chính quyền địa phương, chấp nhận (đệ trình, xem xét) các yêu cầu của người dân.

Xuân Nguyên (Tổng hợp)

Sửa lần cuối 2024-03-18 10:12:39

Bình luận

Bình luận qua Facebook