2024-03-12 17:33:13

25 năm Ba Lan gia nhập NATO

Hôm nay (12/3/2024) Ba Lan tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày Ba Lan gia nhập NATO. Vào ngày này năm 1999, Ba Lan chính thức gia nhập Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cùng với Cộng hòa Séc và Hungary.

Trong bài phát biểu vào tối thứ Hai (11/3/2024), tổng thống Andrzej Duda nhấn mạnh: Việc Ba Lan gia nhập NATO là một trong những thành tựu lớn nhất trong lịch sử gần đây của chúng ta. Tất cả những người đã góp phần thực hiện nhiệm vụ để đạt được mục đích vĩ đại này đều xứng đáng được đánh giá cao nhất và ghi nhớ mãi mãi. Ước mơ của nhiều thế hệ người Ba Lan đã thành hiện thực, nhờ đó, quê hương của chúng ta ngày nay được an toàn. Việc Ba Lan trở thành thành viên NATO là biểu tượng cho sự đoàn kết dân tộc của chúng ta, đó là một quyết định vô cùng dũng cảm, mang tính lịch sử.

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được thành lập ngày 4/4/1949 bởi 12 quốc gia gồm: Bỉ, Đan Mạch, Pháp, Hà Lan, Iceland, Canada, Luxembourg, Na Uy, Bồ Đào Nha, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Ý.Trong đó, Iceland là thành viên NATO duy nhất không có quân đội thường trực. Quốc gia có vị trí chiến lược này gia nhập Liên minh với điều kiện không phải thành lập lực lượng vũ trang truyền thống.

Vào năm 1952, Liên minh được mở rộng với sự tham gia của Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ba năm sau, Tây Đức gia nhập NATO. Cùng thời gian này, Liên Xô và bảy nước Đông Âu đã thành lập Hiệp ước Warszawa. Tây Ban Nha gia nhập NATO vào năm 1982.

Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, NATO tiếp tục mở rộng đến các nước thuộc khối cộng sản cũ. Đầu tiên là ba nước Ba Lan, Cộng hòa Séc và Hungary (1999). Năm 2004, Bulgaria, Romania, Slovakia và Slovenia được kết nạp vào NATO và sau đó là Litva, Latvia và Estonia. Năm 2009, Albania và Croatia trở thành thành viên mới, năm 2017 Montenegro và năm 2020 - Bắc Macedonia. Phần Lan gia nhập NATO vào ngày 4 tháng 4 năm 2023. Vào ngày 7 tháng 3 năm 2024, Thụy Điển trở thành thành viên thứ 32 của Liên minh.

Như vậy, NATO hiện là một liên minh chính trị và quân sự bao gồm 32 quốc gia ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Các thành viên NATO có nghĩa vụ hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị một quốc gia không thuộc NATO tấn công. Trong 75 năm tồn tại, NATO được coi là liên minh quân sự lớn nhất thế giới.

Hiện nay, có 3 quốc gia đang xin gia nhập NATO là: Bosnia và Herzegovina, Georgia và Ukraine.

(Lễ kỉ niệm 25 năm ngày Ba Lan gia nhập NATO tại Krakow)

Ý tưởng mở rộng NATO ban đầu không nhận được sự ủng hộ ở Hoa Kỳ. Hầu hết giới truyền thông và các chuyên gia về chính sách đối ngoại đều phản đối điều đó. Họ lập luận rằng việc kết nạp các nước Đông Âu vào NATO sẽ hủy hoại sự hợp tác với Nga.

Vào năm 1997, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ban hành một văn bản chỉ rõ rằng các quốc gia ứng cử viên phải có nền dân chủ, phát triển theo hướng kinh tế thị trường, và lực lượng vũ trang của họ phải đặt dưới sự kiểm soát dân sự chặt chẽ. Họ cũng phải có quan hệ tốt với các nước láng giềng và hợp tác với các lực lượng NATO. Theo đó, "tư cách thành viên NATO có thể mở cửa cho tất cả các nền dân chủ mới nổi ở châu Âu để cùng hưởng các giá trị của Liên minh và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ với tư cách thành viên". Mối lo ngại với Moscow khi đó cũng đã được xoa dịu nhờ việc thành lập Hội đồng NATO-Nga.

Xuân Nguyên (Tổng hợp)

Sửa lần cuối 2024-03-12 16:33:13

Bình luận

Bình luận qua Facebook