2023-04-04 05:03:12

Tranh cãi về việc bảo vệ danh dự của Giáo hoàng Jana Paweł II

Những tranh cãi về Giáo hoàng Jan Paweł II đã diến ra trong nhiều tuần qua trên các diễn đàn tại Ba Lan. Đặc biệt là sau khi kênh truyền hình TVN24 đưa ra phóng sự của Marcin Gutowski về Đức Giáo hoàng Jan Paweł II và nạn ấu dâm liên quan đến ba linh mục Bolesław Saduś, Eugeniusz Surgent và Józef Loranc, cũng như các cáo buộc được dẫn từ cuốn sách "Maxima Culpa. John Paul II đã biết" của Ekke Overbeek. Theo đó, Hồng Y Karol Wojtyła (tên thật của Giáo hoàng Jan Paweł II) , khi đó đang nắm giữ chức vụ ở Krakow, đã cử giáo sĩ đến Áo để che đậy việc phạm tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của cha Bolesław Saduś. Đã có những bình luận nói rằng “Ngày nay, chúng ta biết chắc chắn rằng Karol Wojtyła đã biết về các vụ lạm dụng tình dục của các linh mục và đã che giấu chúng, ngay cả ở Ba Lan, trước khi ông trở thành giáo hoàng”.

Nhiều cuộc biểu tình, diễu hành đã diễn ra trên nhiều thành phố của Ba Lan để bảo vệ uy tín của Giáo hoàng. Vào Chủ nhật (2/04/2023), nhân kỷ niệm 18 năm ngày mất của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II, các cuộc tuần hành để tưởng nhớ và bảo vệ thanh danh của Ngài đã được tổ chức trên khắp Ba Lan. Cuộc tuần hành lớn nhất được tổ chức tại Warszawa. Trong những năm trước, vào ngày giỗ của Đức Giáo hoàng, không có cuộc biểu tình tưởng niệm nào được tổ chức.

(Một cuộc diễu hành bảo vệ uy tín của Giáo hoàng tại Warszawa vào ngày 2 tháng 4 năm 2023)

Vụ việc đã gây chia rẽ xã hội mạnh mẽ. Vào đêm Thứ Bảy rạng Chủ nhật (2/4), một bức tượng của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II, đặt tại nhà thờ chính ở Łódź, đã bị phá phách. Sơn đỏ xuất hiện trên tay của giáo hoàng và khuôn mặt của ông được sơn màu vàng. Một hành động phá hoại tương tự cũng diễn ra ở Wrocław. Những thủ phạm đã đổ sơn đỏ lên hình ảnh của Giáo hoàng Jan Paweł II trên bức tranh tường  của một tu viện.

Và sự việc chưa dừng ở đó. Các đảng phái chính trị đã lợi dụng sự kiện này để công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng đối với công chúng và nhà thờ. Đảng cầm quyền PiS còn có sáng kiến thành lập một nhóm nghị sỹ chuyên trách về bảo vệ “Di sản của Thánh Jan Paweł II”.

Mỗi ngày, trên các phương tiện thông tin đại chúng đã xuất hiện hàng loạt những bài phân tích, đánh giá về Đức Giáo hoàng và những hành động của các đảng phái, người dân Ba Lan trong việc bảo vệ uy tín của Ngài. Trong bài này chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những phân tích của giáo sư, linh mục Andrzej Kobyliński, triết gia, trưởng khoa Đạo đức tại Đại học Cardinal Stefan Wyszyński ở Warszawa (bài trả lời phỏng vấn báo onet.pl).

Làm thế nào để đánh giá triều đại giáo hoàng của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II?

Chúng ta đã biết toàn bộ sự thật về Đức Giáo hoàng Jan Paweł II chưa?. Những sai lầm chính mà ngài đã mắc phải trong triều đại giáo hoàng của mình và những gì cần đọc để khám phá con người thật của Karol Wojtyła?. Thật là khó khi phải trả những câu hỏi này khi những điều cực đoan đang phổ biến ở Ba Lan.

Giáo sư Andrzej Kobyliński cho rằng một đánh giá thực tế và quan trọng về triều đại của Đức giáo hoàng Jan Paweł II vẫn còn ở phía trước chúng ta và cuộc thảo luận về vấn đề này đang gay gắt hơn bao giờ hết. Chắc chắn rằng trong nhiều thập kỷ tới, chúng ta sẽ tiếp tục khám phá những thông tin quan trọng liên quan đến cuộc đời của ông. Điều này luôn đúng với những nhân vật lịch sử vĩ đại.

Ở Ba Lan, người ta đã xây dưng một hình ảnh rất lãng mạn về Đức Giáo hoàng. Trong nhiều năm, chúng ta nhìn ông qua lăng kính của nhà thơ Juliusz Słowacki, cho rằng Chúa đã đánh một chiếc chuông lớn để "mở ngai vàng cho giáo hoàng người Sla-vơ. Nhiều người trong chúng ta coi việc bầu chọn Ngài làm Giáo hoàng là một dấu hiệu từ thiên đàng - một món quà của Chúa Cứu thế cho một quốc gia đang trải qua nhiều bất hạnh. Sẽ rất khó khăn, bởi vì trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã không tham gia vào các cuộc tranh luận nghiêm túc về giáo lý trong Giáo hội Công giáo. Thậm chí trong một vài năm hoặc vài chục năm nữa, việc bắt đầu một suy tư trí tuệ về tư tưởng của Đức Giáo hoàng sẽ rất khó khăn, bởi vì con mương do Ba Lan đào sẽ vẫn là một trở ngại để tiếp cận nó một cách trung thực và bình tĩnh.

(Đức Giáo hoàng Jan Paweł II)

Đánh giá như thế nào? Tất nhiên, sẽ rất đa dạng, giống như xã hội Ba Lan bị chia rẽ sâu sắc. Trước hết, nó có tầm quan trọng lớn không chỉ về mặt tôn giáo mà còn về mặt chính trị và xã hội. Đức Giáo hoàng đến từ Ba Lan đã cho thế giới thấy một diện mạo mới, thân thiện và năng động của Giáo hội và tôn giáo. Sau khi Karol Wojtyła nhậm chức, nhiều người Công giáo cũng hy vọng rằng cùng với một vị giáo hoàng tương đối trẻ, mạnh mẽ, cuộc khủng hoảng quyền lực trong chính quyền Vatican II có thể được ngăn chặn. Những cải cách trong Giáo hội trước đó, đặc biệt là ở phương Tây, đã góp phần vào sự tan rã nhanh chóng của Giáo hội. Trong những năm 1965-1978, cảm giác bất lực, trì trệ tràn ngập ở các nước phương Tây. Nhà thờ dường như có nguy cơ sụp đổ. Không có ánh sáng trong đường hầm.

Lễ nhậm chức của Giáo hoàng người Ba Lan là một cú sốc tích cực đối với hàng triệu người. Nhiều người Công giáo trên khắp thế giới cảm thấy rằng "đêm đen" của cuộc khủng hoảng sâu sắc đã qua.

Nhờ những tuyên bố cụ thể, những cử chỉ và những cuộc hành hương của Ngài, người Ba Lan, người Séc, người Slovak, người Croatia, người Ukraine bắt đầu được chú ý - những quốc gia mà ít người trên thế giới quan tâm. Bởi vì lúc đó, người ta tin rằng mọi thứ ở phía đông, từ Berlin đến Vladivostok đều do Liên Xô điều khiển.

Các hoạt động của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II đã dẫn đến sự gia tăng chuyển đổi chính trị ở phần châu Âu. Tất nhiên, vai trò chính trị và quân sự của Hoa Kỳ và Tổng thống Ronald Reagan là quyết định, nhưng khía cạnh tâm linh và tôn giáo cũng rất quan trọng, điều này đã tạo điều kiện cho việc phá bỏ Bức tường Berlin, thống nhất nước Đức và chuyển đổi toàn bộ khu vực Đông Âu từ chủ nghĩa cộng sản sang hậu cộng sản, rồi từ hậu cộng sản sang dân chủ tự do.

Công lao của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II thường được nhắc đến ở hai khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất là các hoạt động đạo đức và tinh thần. Trong các bài phát biểu của mình, Đức Giáo hoàng đã làm sống lại khát vọng độc lập, khơi dậy nhận thức nơi con người và củng cố khát vọng tự do. Do đó, ông đã gửi một tín hiệu cụ thể tới các quốc gia sống sau Bức màn sắt (ý nói các quốc gia thuộc khối Xã hội chủ nghĩa).

Trong những bài giảng, Giáo hoàng cũng đưa ra những câu nói cực kỳ quan trọng về sự thống nhất của lục địa Châu Âu. Đó là một cú sốc đối với nhiều chính trị gia, nhà tư tưởng, nhà báo trên thế giới. Vào thời điểm đó, sự phân chia châu Âu thành hai khối đã được chấp nhận rộng rãi. Có vẻ như nó sẽ là vĩnh viễn. Hầu như không ai đặt câu hỏi về Bức màn sắt. Trong bối cảnh này, câu nói của Đức Giáo hoàng hoàn toàn có vẻ tiên tri.

Khía cạnh thứ hai là các hoạt động ngoại giao và chính trị có liên quan. Đây là những cuộc gặp chính thức của Giáo hoàng và các phái viên của ông với chính phủ các nước Mỹ, Đức và Pháp. Chúng ta hãy nhớ rằng chính sách ngoại giao của Vatican đã và đang tiếp tục đóng một vai trò quan trọng.

Đức Giáo hoàng Jan Paweł II đã phạm những sai lầm nào?

Trước tiên hãy nói về những sai lầm mà Đức Giáo hoàng Jan Paweł II đã mắc phải trong triều đại giáo hoàng của mình. Đức Giáo Hoàng không phải là Chúa. Ngài mắc sai lầm thì chúng ta có quyền phân tích, vì mỗi giám mục Rôma đều là một nhân vật lịch sử và là đối tượng để đánh giá. Thật đáng tiếc khi những điều cực đoan lại đang thống trị ở Ba Lan. Một số người thần thánh hóa hình tượng của giáo hoàng và biến Ngài thành một anh hùng Hy Lạp hoàn mỹ, trong khi những người khác muốn bỏ hoàn toàn những ký ức về Ngài, không nhìn thấy điều gì tốt đẹp ở Ngài. Đó thật là vô nghĩa. Việc tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Jan Paweł II phải thể hiện sự công bằng.

Một trong những sai lầm của Giáo hoàng Jan Paweł II là phản ứng chậm trễ đối với vụ bê bối ấu dâm của một giáo sĩ. Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Argentina La Nación, Giáo hoàng Francis nói rằng "mọi thứ đã được che đậy" cho đến vụ bê bối Boston năm 2002.

Nhưng cũng phải thành thật mà nói rằng, Giáo hoàng người Ba Lan là một đứa trẻ trong thời đại của ông. Chúng ta không thể suy nghĩ theo kiểu lịch sử, mà phải tính đến bối cảnh, vì không ai vào thời điểm đó nhận thức đầy đủ vấn đề thực sự của việc lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên. Ấu dâm đã bị các giáo sĩ, nhà tâm lý học, nhà giáo dục, chính trị gia, nhà báo, trí thức, v.v. coi thường. Tương tự như vậy, Đức Giáo hoàng Jan Pawla II đã không nhìn vấn đề này một cách đúng đắn. Tuy nhiên, khi nhận thấy vấn đề, ông ấy đã có hành động quyết đoán, dẫn đến sự thay đổi luật nhà thờ vào năm 2001. Không có nhà thờ hay hiệp hội tôn giáo nào khác trên thế giới đưa ra những quyết định kiểu này liên quan đến việc bảo vệ trẻ em và thanh thiếu niên sớm như vậy.

Thứ hai, một số quyết định về nhân sự cũng mắc sai lầm nghiêm trọng. Có thể nêu ví dụ về nhiều cuộc bổ nhiệm giám mục không đúng cách đã dẫn đến những vụ bê bối lớn. Ở Ba Lan – Juliusz Paetz, ở Mỹ – Theodore McCarrick, ở Ireland – John Magee, ở Áo – Hans Hermann Groër, v.v.

Hiện nay, ở Ba Lan đã có rất nhiều sai lầm đã xảy ra liên quan đến cách thức tưởng niệm cố giáo hoàng. Đã có sự phóng đại khi nói đến khía cạnh vật chất - tượng đài, tên đường, trường học, bệnh viện. Khía cạnh trí tuệ và tôn giáo thực sự đã bị bỏ quên. Và rất tiếc, một mô hình tầm thường đã được hình thành, Giáo hoàng đã bị biến thành một loại thánh nào đó, một nhân vật không có thực. Một loại ký ức bị biến dạng như vậy đã trở nên không thể chấp nhận được đối với thế hệ trẻ. Do đó, chúng ta mới thấy những người lớn tuổi có sự gắn bó mạnh mẽ đối với Đức Giáo hoàng Jan Pawla II, trong khi đó thì những người trẻ tuổi biểu hiện sự thờ ơ.

Gần đây, Nhóm Nghị viện về “Di sản của Thánh Jan Paweł II” đã họp để thảo luận về "các dự án khôi phục tưởng nhớ hiệu quả hơn" đối với Đức Giáo hoàng Jan Paweł II. Đây là những hành động phục vụ chính trị. Nội dung tôn giáo đã trở thành động lực cho chính trị. Thật không may, chúng ta đang có một cuộc chiến tôn giáo góp phần chia rẽ xã hội hơn nữa.

Những gì hiện đang xảy ra, bao gồm các cuộc tuần hành và việc bảo vệ danh hiệu của Đức Giáo hoàng Jan Paweł II (nghị quyết, tuyên bố ...) chỉ củng cố thêm sự phân chia của xã hội chúng ta thành hai bong bóng truyền thông và chính trị: cánh hữu-bảo thủ và cánh tả- tiên tiến. Chúng ta đang có hai nước Ba Lan.

Một cái gì đó hoàn toàn không thể tin được đang xảy ra trước mắt chúng ta. Trong nhiều thập kỷ, Đức Giáo hoàng Jan Paweł II là một người củng cố mối quan hệ quốc gia của chúng ta. Tuy nhiên, ngày nay, hình ảnh của Giáo hoàng Jan Paweł đang trở thành một yếu tố xé nát cơ cấu xã hội. Tranh chấp quốc gia về giáo hoàng đang phá hủy mối quan hệ chung của chúng ta. Điều này đã dẫn đến việc chính trị hóa tôn giáo. Ném giáo hoàng vào chính trị đang khiến những người trẻ tuổi càng không muốn nghe về tôn giáo trong một phiên bản chính trị hóa mà người lớn tranh cãi. Đó là lý do tại sao hình ảnh Đức Giáo hoàng Jan Paweł II nhanh chóng rời xa ý thức và trí tưởng tượng của trẻ em và thanh thiếu niên. Theo đó, nạn nhân lớn nhất của tình trạng hỗn loạn hiện nay sẽ là trẻ em và thanh niên.

Chắc chắn rằng Đức Giáo hoàng Jan Paweł II sẽ vẫn có mặt trên các trang sách giáo khoa lịch sử, bởi vì ông đã đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử hiện đại của chúng ta. Không thể gạch bỏ những công lao to lớn của Ngài vì chúng được ghi lại một cách khách quan và là một phần quan trọng trong ký ức quốc gia, châu Âu và toàn cầu. Nhưng khi đối xử với ông theo cách của chúng ta hiện nay, sự hiện diện đó sẽ suy yếu dần. Và hậu quả là thế hệ cũ sẽ được thay thế bằng một thế hệ trẻ, thờ ơ với Đức Giáo hoàng Jan Paweł II và chỉ coi ngài như một nhân vật lịch sử.

Xuân Nguyên

(Nguồn:  https://wiadomosci.onet.pl/tylko-w-onecie/duchowny-ocenia-pontyfikat-jpii-to-byl-szok-dla-politykow-na-calym-swiecie/s2mkslc)

Sửa lần cuối 2023-04-04 03:03:12

Bình luận

Bình luận qua Facebook