2023-01-23 05:36:17

Tết xưa và tết nay

Ngày xưa, cứ gọi là ngày xưa để nói về quá khứ chứ thực ra ngày ấy không xa lắm, khi chúng tôi còn là những cậu học trò của trường cấp I, cấp II.

Tết nay, là tôi muốn nói đến những cái Tết vào những năm gần đây, khi cuộc sống của đa số gia đình Việt Nam đã trở nên đầy đủ, nhiều gia đình được coi là khá giả. Mới qua đi mấy chục năm nhưng Tết xưa và Tết nay đã khác nhau rất nhiều. Một phần do hòa nhập quốc tế, một phần do kinh tế đất nước phát triển, thu nhập của từng gia đình đã được nâng cao.

Ngày xưa, mỗi khi Tết đến là ai nấy đều háo hức chờ đợi. Người lớn phải lao tâm khổ tứ để có cái Tết ra tết. Còn trẻ con chờ để được ăn tết, chơi tết và được may áo mới. Thích nhất là được đi chợ tết, xem người ta bày bán những gì chứ có tiền đâu mà mua. Tất nhiên, mỗi đứa cũng có mấy hào để mua bức tranh con cá chép, tranh Đông Hồ với con lợn tết béo ị hoặc gói kẹo dồi lợn hay cái bánh đa. Chợ nhà quê lúc ấy lan ra cả những bãi cỏ, lấn vào những con đường mòn. Những người bán tranh, bán đồ chơi trẻ con mang từ đâu đến những thứ truyền thống và cả những thứ lạ mắt, níu kéo bọn trẻ chúng tôi nhòm ngó, bàn tán. Đứa nào có tiền mua được đồ chơi gì thì cũng coi như đồ chơi của cả bọn. Đứa nào được mua gói bánh, gói kẹo gì thì cũng chia nhau. Lòng vị tha của con người lúc nào cũng đầy ắp, mặc cho cảnh sống bần hàn.

Ngày nay, những người dân từ thành thị đến nông thôn vẫn mong đợi Tết nhưng đã không còn hoặc còn rất ít những nỗi lo âu. Trẻ con bây giờ không mong áo mới, có chăng là mong được tặng những đồ chơi. Bây giờ, trẻ em không biết chợ tết là gì, bởi chợ nhiều nơi đã biến thành Trung tâm buôn bán. Ở một vài địa phương, người ta tổ chức “Hội chợ tết” để cho mọi người mua sắm, cho trẻ con mua các đồ chơi. Nhiều trường học có sáng kiến tổ chức “chợ quê”, “chợ tết” để giúp các em có khái niệm tết xưa như thế nào. Bây giờ người ta văn minh hơn, trẻ con không chơi chung đồ chơi, không ăn chung tấm bánh, gói kẹo. Những gia đình nghèo được các tổ chức từ thiện hỗ trợ.

Ngày xưa, Tết về là mang đến bao nỗi lo âu cho những người dân quanh năm cày cấy. Bởi có nhà đủ ăn hoặc dư dật đôi chút, nhưng có nhà thì qua mùa đã phải ăn vay. Thế nhưng, người dân quê vẫn phải lo để có ngày tết đàng hoàng như câu nói: “Đói ngày giỗ cha, no ba ngày tết”. Dù chỉ có vài ba ngày chơi tết, nhưng hội làng với các trò chơi dân gian như đánh đu, chơi cờ người, đấu vật vv... bao giờ cũng làm cho không khí tết ấm cũng, vui vẻ và hoàn toàn khác biệt với những ngày thường.

Ngày nay, đa số các gia đình Việt Nam đã không thiếu tiền sắm tết. Nhiều người tìm mua những món ăn được coi là sơn hào, hải vị hay phải nhập từ Mỹ, từ Nhật. Thay cho các trò chơi dân gian, người ta tổ chức các công viên tết, những đường đi bộ lộng lẫy cờ, hoa. Trẻ con nông thôn cũng đòi bố mẹ phải đưa lên thành phố để chơi tết.

Ngày xưa, từ 28 tết, không khí trong nhà đã chộn rộn. Mẹ lo rửa lá dong, đãi gạo, bố  lo bổ củi, chuẩn bị đắp lò. Không có thịt để bó giò thì cũng phải có thịt để làm nhân bánh chưng. Với chúng tôi, thích nhất là được xem thịt lợn. Ngày sát tết, trong làng tiếng lợn kêu eng éc vang vọng khắp nơi. Mấy nhà chia nhau một con lợn (gọi là ăn đụng) nên hôm thịt lợn cũng được coi như một ngày hội. Người lớn được bát tiết canh, đám trẻ con thì được cái đuôi để nhấm nháp. Con lợn được chia đều từ phần thịt đến phần xương, và người chia bao giờ cũng phải nhận phần cho mình sau cùng.

Ngày nay, người ta bảo nhau chẳng nên lo thịt lợn, gói bánh làm gì. Cứ để đến ngày sát tết mua mấy cái bánh chưng hay giò, chẳng khó khăn gì. Nếu như ông bà, bố mẹ có ý muốn bày ra cho có không khí tết thì con cháu can ngăn: Đừng có làm cho mệt!.

Ngày xưa, tất niên là thời điểm cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng. Đám trẻ con như chúng tôi bao giờ cũng được gói riêng những chiếc bánh con. Bánh con mau chín, nên cứ phải thập thò bên nồi bánh đang luộc. Rồi đến lúc buồn ngủ quá, đứa nào đứa nấy lăn ra chiếu trong khi nồi bánh vẫn đang sôi sùng sục. Trong bữa cơm tất niên, nhà nào cũng cố gắng để con cháu về đầy đủ. Con gà cúng giao thừa bao giờ cũng phải là gà nhà mình, được nuôi nấng đàng hoàng. Sau này, người ta “thiên biến vạn hóa” mới có chuyện mua gà ở chợ về nuôi ít ngày để coi như gà nhà mình mới có lộc.

Ngày nay, giới trẻ thường chọn ngày tết để đi du lịch nên chỉ đáo qua nhà bố mẹ lễ tết từ mấy ngày trước. Bữa cơm tất niên nhiều nhà chỉ có hai ông bà. Gà cúng tất niên, gà cúng giao thừa bây giờ được làm sẵn, luộc chín bày bán khắp nơi. Chợ Hàng bè năm nay tấp nập, hàng nghìn con gà cúng ngậm cành hoa hồng được bán hết trong có nửa ngày.

Ngày xưa, bàn thờ ngày tết thường được trang trí đơn giản nhưng phải có đủ mấy thứ: Mâm ngũ quả, lọ lộc bình cắm cành đào, một chai rượu trắng nút lá chuối khô, bánh chưng thì thay mỗi ngày một chiếc mới. Ở quê tôi, ngũ quả thường là quả lấy từ vườn nhà mình, không có quy định rõ ràng là những quả gì, nhưng có hai loại quả không bao giờ thiếu là chuối và bưởi. Ngoài ra tùy thuộc gia cảnh mà người ta có thêm mứt, bánh kẹo vv...Việc cúng gia tiên được thực hiên hàng ngày từ mồng một tết cho đến khi hóa vàng (tức là ngày tiễn các cụ về trời).

Ngày nay, bàn thờ vẫn được chăm chút, thậm chí còn to đẹp hơn xưa. Mâm ngũ quả được đưa thêm vào những sản phẩm nhập từ Âu, Mỹ. Người ta không chơi 1 cành đào mà là cả cây đào, cây quất to tướng có giá hàng chục đến hàng trăm triệu. Ngoài ra, nhiều người còn bắt chước dân Tầu, trưng bày những cây hoa cúc trong nhà. Cúng tất niên, cúng giao thừ được tổ chức thịnh soạn với đầy đủ các vật phẩm như gà, xôi, bánh trái...Chỉ có điều là bây giờ người ta cúng chứ không ăn. Ngày thường đã ăn những thứ này rồi, ngày tết ăn sao nổi. Bởi vậy nên gà, xôi, bánh chưng sau mấy ngày không dùng đến thường phải đưa ra đường nhờ Vệ sinh thành phố dọn giúp. Cũng có những loại quả đã được chọn sao có thể đặt trên bàn thờ cả tháng vẵn tươi roi rói. Những quả đã ngâm qua hóa chất này chỉ để cho “các cụ” thưởng thức chứ con cháu không nên ăn.

Ngày xưa, đầu năm mới người ta đến nhà chúc nhau sức khỏe, con đàn, cháu đống, ăn nên làm ra. Đám trẻ con thường kéo nhau thành từng đoàn, đi hết nhà này sang nhà khác để chúc tết các ông bà, cô bác, chú gì vv... Những thứ dùng để mừng tuổi, cho đám trẻ thường là những cái bánh, cái kẹo chứ ít khi mừng tuổi bằng tiền. Một phần lo do nghèo khó, nhưng một phần cũng là do quan niệm rằng đưa tiền trẻ con chỉ làm cho chúng sinh hư.

Ngày nay, ngay từ cuối năm, con cháu ở xa đã tranh thủ về nhà chúc tết ông bà, bố mẹ, để tết được rỗi rãi đi chơi. Bây giờ người ta mừng tuổi bằng tiền, mà phải tiền trăm, tiền triệu, chứ không thì trẻ con nó cũng trách. Cũng trong những ngày cuối năm, người ta đến chúc tết sớm những người mà người ta cho là sẽ có ảnh hưởng đến sự nghiệp hay công việc của họ. Kèm theo những lời chúc tết rất văn hoa (có phần sáo rỗng) là những túi quà và những phong bì. Văn hóa quà biếu đã được các cấp chính quyền quán triệt sâu sắc, nhưng với người Việt, tình cảm là trên hết.

Nếu nói về những người phải lo âu, thì không phải là những doanh nhân thành đạt. Bởi vì, dù họ có phải biếu tí quà thì những gì họ được đền đáp lại cũng luôn thỏa đáng, chưa nói là có lãi. Chỉ những người làm ăn xa quê mới có những lo âu thật sự. Đối với họ, ngày tết vẫn là dịp để có thể về quê sau cả năm hoặc vài năm làm việc vất vả. Đó là những công nhân trong những khu công nghiệp, những người từ nông thôn ra thành phố kiếm tiền. Và một lưc lượng không kém phần đông đảo nữa là những người được gọi là Việt Kiều, bao gồm những công nhân diện xuất khẩu lao động và những người ra đi vì tương lai đang bôn ba ở các xứ người. Mỗi lần về quê ăn tết là mỗi lần họ phải lo tính đau đầu. Nào tiền vé máy bay, vé tàu xe, nào tiền quà cáp và cả những khoản tiền mừng tuổi nữa. Người đi nước ngoài về phải mừng tuổi nhiều hơn người ở nhà - không biết từ bao giờ điều này đã trở thành “luật bất thành văn”.

“Lan man một chút đầu Xuân

Nguyên tôi tùy hứng mấy vần mua vui.

Đúng sai, tùy ý mỗi người...”

Xin chúc bạn đọc một năm mới an khang, thịnh vượng, sức khỏe dồi dào và gia đình hạnh phúc.

Xuân Nguyên (Đầu xuân Quý Mão)

Sửa lần cuối 2023-01-23 04:36:17

Bình luận

Bình luận qua Facebook