2014-11-24 09:59:39

Bạo hành gia đình trong Cộng đồng người Việt tại Ba Lan.

Bạo hành gia đình ở đâu cũng có. Đối với cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng vậy. Bạo hành có nhiều dạng: Nạn nhân bị đánh đập, nhiếc móc hoặc tra tấn tinh thần bằng „chiến tranh lạnh”... Bạo hành xẩy ra trong gia đình cả hai vợ chồng đều là người Việt và trong gia đình một người Việt (chồng hoặc vợ) và một người kia là người nước khác, chủ yếu là Ba Lan. Đối tượng bị bạo hành là người vợ hoặc người chồng. Nguyên nhân bạo hành chủ yếu là ghen tuông, coi thường vợ ( hoặc chồng) hoặc không có nguyên nhân gì rõ ràng mà chỉ là những xích mích nhỏ nhặt hàng ngày do làm ăn khó khăn, kinh tế hạn hẹp....

Đa số các trường hợp bị bạo hành thì nạn nhân chọn phương pháp „im lặng” chịu đựng vì sợ 'mang tiếng” và để „ giữ bố hoặc mẹ cho con cái” nhưng nhiều trường hợp nạn nhân đã phản ứng hoặc là ra đi hoặc là báo công an can thiệp.

Trước đây Quê Việt đã đề cập vụ việc của. anh Lan* là một trong những người đầu tiên sang Ba Lan học tập. Học xong anh không về Việt Nam mà ở lại, lấy vợ Ba Lan và có hai cậu con trai nay đã lớn. Khi còn trẻ, anh cố gắng làm việc nuôi vợ con nhưng sau này tuổi cao, sức yếu, công việc làm ăn, buôn bán khó khăn, không đủ tiền chi tiêu trong nhà. Lúc này vợ và những người trong gia đình vợ bắt đầu coi thường, luôn miệt thị anh. Thỉnh thoảng anh ra khỏi nhà, đi lang thang vì nhà anh và vợ con anh ở là nhà xây trên đất của bố mẹ vợ. Mấy năm như vậy cuối cùng không chịu được cảnh bị khinh rẻ anh phải bỏ tất cả để ra đi. May mắn anh được một trung tâm thương mại của người Việt thu nhận làm bảo vệ. Làm việc một thời gian, anh đủ tiền để trở về Việt Nam sau mấy chục năm biền biệt. Ra đi với hai bàn tay trắng với tuổi trẻ giờ anh trở về trắng tay với thân hình nặng trĩu thời gian. Khi còn bán ở chợ sân vận động 10 năm, người viết bài này đã từng bán hàng cho anh và thường lấy đúng giá nhập. Anh hay đi với cậu con trai cao lớn, đặc dáng Tây, mắt lúc nào cũng len lén, đứng cách xa, không muốn mọi người biết anh Lan là bố nó. Hôm anh về Việt Nam cũng gặp anh ở sân bay. Bắt tay nhau, anh rưng rưng nước mắt mà không nói nên lời.

Trường hợp của anh Thu* cũng giống như vậy. Anh sống với gia đình vợ là người Ba Lan ở một tỉnh gần biên giới Đức . Trước đây cứ thàng một đôi lần anh lên Warszawa lấy hàng về tỉnh bán. Anh có một cửa hàng bán lẻ ở đó. Thế rồi mấy tháng liền không thấy anh lên Warszawa lấy hàng. Tháng rồi gặp nhau, anh rầu rĩ : Em phải bỏ nhà ra đi anh ạ. Kiot bán hàng vợ em lấy. Nhà em xây trên mảnh đất của bố mẹ vợ, Em không rành luật và tiếng tăm cũng không thạo lắm. Mấy tháng nay vợ và bố mẹ vợ luôn hầm hè, kiếm cớ gây sự với em. Họ bảo em ăn hại mặc dù em là người bán hàng, bỏ tiền ra xây nhà. Nhà vợ chỉ làm nông nghiệp, nuôi mấy con bò. Tệ nhất là hai cháu con em cũng hùa vào với mẹ, nói em là dân mọi. Sống trong lphố nhỏ toàn người Ba Lan, trong nhà thì bị cả nhà cô lập. Ra đường cũng không có bạn bè, không ai bênh vực, thông cảm với mình nên em phải mang đồ đạc tư trang ra đi thôi. Chỉ kịp dúi cho anh vài trăm an ủi. Giờ không rõ anh ở đâu và làm gì để sống?.

Đó là hai gia đình chồng Việt, vợ Ba Lan còn gia đình vợ chồng là người Việt thì nạn nhân thường là người phụ nữ. Cách đây hơn một năm, chị Đông*, nhà ở quận Ochota một hôm bị chồng đánh gãy một xương sườn, tím bầm mặt, chị đã báo công an và đề nghị truy tố chồng. Công an tạm giữ anh chồng và yêu cầu chị đến bệnh viện giám định thương tật. Tòa xử anh chồng 4 năm tù giam. Gần đây nhất, chị Nhung*., sống gần Raszyn, bị chồng thường xuyên hành hạ cả về thể xác và tinh thần hơn một năm nay. Một tối nọ nửa đêm chị bị chồng dựng dậy đòi quan hệ nhưng chị không đồng ý, anh chồng đánh chị rất đau. Sợ nguy hiểm đến tính mạng, chị đã báo công an. Công an đã đến bắt tạm giam anh chồng. Tuy nhiên do chị không đề nghị khởi tố hình sự nên sau thời gian bị tạm giam anh chồng được thả ra nhưng bị cấm lại gần vợ trong một khoảng cách nhất định đồng thời hàng tuần phải ra đồn công an trình diện.

Nhiều cặp vợ chòng trẻ hiện nay gặp phải kiểu bao hành „ chiến tranh lạnh”. Chị Hạnh* ở Praga sống với người chồng Ba Lan không hôn thú và có một đứa con. Từ khi có con anh chồng luôn đi làm sớm, về muộn còn ngày nghỉ thì hết đi bơi lại đi công việc. Cô vợ ở nhà vừa trông con nhỏ vừa làm các việc nhà. Nhiều hôm cơm nước xong chờ mãi ông chồng mới về. Ngồi vào bàn ăn thì ông chê hết món này đến món khác, không ăn, lên giường nằm đọc sách rồi ngủ. Hai vợ chông không mấy khi nói chuyện và lần nào nói chuyện cũng cãi nhau. Chịu được mấy tháng thì hai ngườiị „ vui vẻ, lịch sự” chia tay.

Hỏi về vấn đề bạo hành gia đình, chị Nhung nói: Ai mà chả muốn giữ một gia đình bền chặt. Bần cùng lắm mới phải báo công an. Chị nhắn gởi những người bị bạo hành: em muốn chị em bị chồng bạo hành hãy dũng cảm tố cáo chứ không nên ầm thầm chịu đựng. Em biết có chị cũng bị như em hàng mấy năm nay. Có lần bị đánh đau bầm tím mặt mày không đi bán hàng được nhưng vẫn không hé miệng nửa lời. Hãy tự mình thoát ra để được yên tâm mà nuôi con khôn lớn. Sống trong bạo hành, tính mạng luôn bị đe dọa, khổ lắm, lo cho các con nữa.

Chứng kiến cảnh bạo hàng phụ nữ, chị Lý Thái Thị Phương chia sẻ qua bài thơ:

XÓT XA

Chứng kiến cảnh này , thật xót xa
Chị em phụ nữ khổ thân là
Thượng chân mình mẩy đau ê ẩm
Túm tóc giật đầu bầm tím da .

Cực khổ một đời mắt lệ nhòa
Âm thầm chịu đựng , nát đời hoa
Bạo hành phụ nữ , cần lên án
Bảo vệ chị em của chúng ta .

Xã hội văn mình. Tư tưởng con người cũng ngày càng văn minh, tiến bộ mà vấn đề bạo hành gia đình vẫn luôn là một vấn nạn. Xa quê hương, tưởng gia đình là chốn bình yên mà sao khổ thế?

Warszawa 11-2014

TT

*Tên nhân vật đã được thay đổi.

Sửa lần cuối 2014-11-24 18:41:20

Bình luận

Bình luận qua Facebook